Nỗi đau chung!

Nỗi đau chung!

(Sách dòng sông thương yêu)

Vượt Biển

Mùa xuân năm 1975, chiến tranh Việt Nam giữa Nam Bắc mới thật sự chấm dứt. Đất nước mình trở thành một dãi từ Lạng Sơn cho đến Cà Mau. Mọi người khắp nơi trên mọi nẻo đường đất nước đang vui mừng, hân hoan chào đón không khí hoà bình và sự đoàn tụ giữa người thân thương ở khắp hai niềm. Có những người từ niềm Bắc vào phương Nam tìm lại gia đình, bà con, họ hàng; họ là những người niềm Nam tập kích ra Bắc. Và có những người từ niềm Nam ra phương Bắc để đoàn tụ với gia đình; họ là những người Bắc vào Nam năm 1954 và những người lính niềm Bắc nằm vùng nơi các quân đội ‘mặt trận giải phóng’ ở các tỉnh niềm Nam.

Mình ở niềm Nam chứng kiến cảnh vui mừng chiến thắng, nhưng mà người niềm Nam nửa mừng, nửa tủi, nửa vui, nửa buồn, nửa bình an, nửa lo lắng… Tương lai người dân niềm Nam như thế nào đây? Năm ấy mình đúng 11 tuổi, đáng lý là tuổi học trò hồn nhiên, thơ ngây, nhưng khổ đau đã làm mình biết cách nhìn cuộc đời, nhìn thời cuộc.

Tuy bề ngoài đất nước mình gọi là hoà bình, nhưng vết thương, sự mất mát, khổ đau, lòng thù hận vẫn còn âm ĩ trong lòng người giữa hai phe lâm chiến. Sự tàn phá quê hương và vết thương trong tâm thức, lòng người do cuộc chiến tranh gây ra lớn khủng khiếp, nhất là sự hồi hộp, lo lắng, nghi ngờ, hoang mang, sợ hãi của người niềm Nam đối với nguồn máy chế độ mới từ niềm Bắc đưa vào. Chính phủ Hà Nội nắm hết binh quyền, đang củng cố cách quản trị toàn cõi niềm Nam. Dân niềm Nam có nhiều nỗi sợ, sợ nhất là những lần tịch thu tài sản, nhà cửa, bắt bớ, tù đày, đi cải tạo, đổi tiền, hợp tác xã…

Sau ngày giải phóng niềm Nam, gia đình mình bắt đầu thiếu ăn, tức là bữa ăn có ít cơm mà nhiều khoai, sắn, hoặc có bữa ăn toàn bo bo, hoặc có bữa ăn toàn bột mì. Không chỉ riêng gia đình mình, mà tất cả các gia đình khác đều thiếu ăn. Gạo biến đi đâu mất. Thực phẩm biến đi đâu mất! Mẹ mình bắt đầu lo lắng! Mẹ mình đã từng lớn lên trong những năm đói khát, đói đến lã người, đói đến chết hàng triệu người, cho nên sợ đói là nỗi sợ lớn nhất của mẹ. Mẹ không muốn thấy con mình chết đói. Trước đây, gia đình mình chưa bao giờ thiếu ăn, mặc dầu đi qua cơn đói Mậu Thân có hàng triệu người chết đói, mặc dầu sau khi ba mất, nhà mình vẫn luôn dư dã gạo và thức ăn. Mẹ vẫn tảo tần làm việc nuôi con. Mẹ làm tất cả mọi việc kể cả việc của đàn ông như đi biển. Mẹ buôn bán, trồng trọt…

Điều mẹ quan tâm nhất là việc học của các con. Mẹ thường nói với anh chị em mình: “Dù nhà mình có nghèo cách mấy, thì các con phải được đi học.” Thời đó, việc học bắt đầu có vấn đề, tương lai của các con mờ mịt quá. Mẹ lo lắng mỗi ngày. Không riêng gì mẹ, các bậc phụ huynh khác cũng bắt đầu băn khoăn, lo lắng về đời sống và tương lại của các con. Đầu năm 1978, quê mình có phong trào vượt biển bằng thuyền. Có lẽ một số người quen nếp sống của chế độ cũ nên không thể sống được dưới chế độ này, do đó họ tìm cách trốn thoát.

Có lần, chú Đê bàn với mẹ là chú muốn đưa cả gia đình chú đi, vì thế mẹ phải ở lại để chăm sóc, lo lắng cho ôn mệ và hương khói cho ông bà, tổ tiên. Mẹ trả lời dứt khoát với chú:

– Tôi sẽ đưa các con tôi đi. Bây giờ chú là chủ của đại gia đình, chú nên ở lại lo cho ôn mệ và hương khói cho tổ tiên.

Mẹ không có thuyền, nhưng mẹ có tiền, có vàng và mẹ có rất nhiều anh, em, con, cháu có thuyền có thể đưa bà con vượt biển. Sở dĩ mẹ quyết định ra đi mãnh liệt như vậy, vì mẹ sợ các con đói, nỗi sợ này ám ảnh mẹ từ thời thơ ấu, và sợ nhất là sự mịt mù về tương lai học vấn của các con. Năm ấy mình đã lớn, đúng 14 tuổi, học gần xong lớp 8, nên mình biết hết mọi dự định của mẹ.

Nhớ lại lúc bước ra khỏi nhà, mình buồn chi lạ! Nỗi buồn trĩu nặng cả tâm hồn. Ngoảnh mặt lại, mình thấy dây phơi áo quần vẫn còn nguyên, nhà cửa vẫn còn nguyên, tất cả đồ đạc trong nhà vẫn còn nguyên. Mẹ bảo: “Mỗi đứa chỉ mặc một bộ đồ thường, một chiếc ba lô chứa đồ cá nhân, ngoài ra không được mang gì theo. Mỗi đứa đi mỗi hướng khác nhau điểm hẹn là bến đò Xóm Đài trước 4 giờ chiều.”

Sau giờ tan học, mình lặng lẽ đứng nhìn bạn bè, nhìn mái trường, nhìn hàng cây. Bỗng nhiên, mình muốn khóc, nước mắt cứ ứa ra, rưng rưng, biết rằng hôm nay là ngày cuối cùng đến trường nhìn thấy bạn bè. Tạm biệt mái trường, tạm biệt bạn bè, tạm biệt quê hương. Chiều đó là một buổi chiều hoang vu, u ám nhất, dù bầu trời màu xanh lơ và hoàng hôn màu tím nhạt. Khoảng 4 giờ chiều, mình có mặt ở bến đò ở Xóm Đài để đi chuyến đò cuối về hướng làng Thanh Dương, chờ trời tối đi bộ ra bãi biển để lên thuyền. Lúc ngồi trên đò, mình thấy thương quê hương, thương dòng sông, thương hàng dừa, thương mái nhà, nhớ bạn bè, nhớ Lành vô vàn… Đầu năm 1979, gia đình vượt biển qua tỵ nạn ở trại Ru Bi Li, Hồng Kông.

Biển là quê hương của mình, và chiều nay biển gọi thôi thúc mình lên đường đi thật xa, đi để tìm đất hứa.

“…Có người hẹn tôi cuối phương trời
Biển xưa lắng nghe trắng xóa nỗi niềm biển không lên tiếng
Đời tôi nhỏ bé trước những khát khao chìm trong nỗi đau…” Biển cạn- Nguyễn Kim Tuấn

CPÐ

This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink.

Leave a comment