Ý nghĩa cuộc đời

Ý nghĩa cuộc đời

Khi con chim còn sống, nó ăn kiến.
Khi chim chết, kiến ăn nó. Thời gian và hoàn cảnh có thể thay đổi bất cứ lúc nào,
Vì vậy, đừng nhục mạ, đừng làm khổ bất cứ ai trong đời sống này.
.
Bạn có thể đầy quyền lực ngày hôm nay,
Nhưng đừng quên rằng,
Thời gian còn nhiều quyền lực hơn bạn.

Một cây có thể làm được hàng triệu que diêm,
Nhưng một que diêm cũng có thể thiêu hủy được hàng triệu cây.

Hãy là người tốt và làm những điều tốt.

Thử nghĩ mà xem,
Thượng Đế cấu tạo cơ thể con người một cách rất hợp lý,
Nhưng sao chúng ta lại không sử dụng nó theo đúng ý của Ngài:

1-Ngài đặt hai mắt chúng ta ở đằng trước, vì Ngài muốn chúng ta luôn hướng tới phía trước, chứ không phải để chúng ta cứ ngoái nhìn về những sự việc ở phía sau.

2-Ngài đặt hai tai chúng ta ở hai bên là để chúng ta nghe từ hai phía, cả lời khen lẫn tiếng chê, chứ không phải để chúng ta chỉ nghe từ một phía hoặc chỉ để nghe những lời tâng bốc êm tai.

3-Ngài tạo cho chúng ta chỉ một cái miệng và một cái lưỡi mềm mại, vì Ngài muốn chúng ta nói ít nghe nhiều và chỉ nói những lời khôn ngoan, chứ không phải để chúng ta nói nhiều hơn nghe và nói những lời sâu hiểm làm tổn thương người khác.

4-Ngài đặt bộ não chúng ta trong một hộp sọ vững chãi, vì Ngài muốn chúng ta nên tích lũy tri thức, những thứ chẳng ai có thể lấy đi, chứ không phải chỉ chăm lo tích lũy những của cải bên ngoài, những thứ dễ dàng bị mất mát.

5-Ngài đặt trái tim chúng ta nằm trong lồng ngực, vì Ngài muốn những tình cảm yêu thương giữa những con người phải được xuất phát và lưu giữ tận nơi sâu thẳm trong cõi lòng, chứ không phải ở một nơi hời hợt bên ngoài.

Nguồn: Sưu tầm

Posted in Uncategorized | Leave a comment

Thế Nào Là Thật Lòng Yêu!

Thế Nào Là Thật Lòng Yêu!

Shubhra Krishan

Ban Mai
Vuon Hong 2014 (3)

“Tình yêu” cũng như “hạnh phúc” là những từ rất khó giải thích.

Thế nhưng nhà văn thiên tài Ernest Hemingway đã thể hiện rất sâu sắc bản chất tình yêu qua ngòi bút của ông.

Khi yêu người ta ao ước được làm nhiều thứ cho người mình yêu. Ao ước được hy sinh. Ao ước được phục vụ” ( A Farewell to Arms)

Tôi muốn nói thêm rằng, khi yêu bạn thật sự muốn cống hiến và cho đi … mà không mong được nhận lại.

Chỉ có tình yêu khi đối mặt với sự tức giận, trách móc và thờ ơ mà vẫn tiếp tục tuôn chảy mới được gọi là tình yêu. Những thứ khác thì đơn thuần chỉ là sự giao dịch”, Vironika Tugaleva – tác giả của cuốn The Love Midset nói.

Đừng khiến tình yêu của bạn trở nên thực dụng. Khi tặng cho ai đó một nụ cười, một cái ôm, một lời chúc tốt lành, một đôi tai biết lắng nghe, một bờ vai thấu hiểu, một sự hỗ trợ vật chất hay tinh thần, hãy làm điều đó khi bạn thực sự muốn. Cha của tôi thường lặp lại một câu nói bằng tiếng Urdu như sau “Neki kar, darya mein dal”, nghĩa là “Hãy làm một việc tốt và sau đó quẳng nó xuống sông”. Suốt cuộc đời tôi đã luôn cố gắng theo đuổi phương châm sống ấy, bởi tôi tin rằng sự trông mong chỉ đánh cắp đi tình yêu cũng như sự thuần khiết và vẻ đẹp của tình yêu.

  1. Hãy yêu vô điều kiện, và yêu thật nhiều như chúng ta có thể.
  2. Thỉnh thoảng hãy dừng lại để tự sửa đổi mình trên con đường tình yêu tươi đẹp.
  3. Hãy yêu bởi vì chúng ta cảm nhận được nó, chứ không phải vì chúng ta mong đợi hay cần một tình yêu.
Sunset Sept 24 - 2014  (18)

How to Really Love Someone

By Shubhra Krishan

“Love,” like “Happiness” can be hard to explain.

But the great writer Ernest Hemingway came very close to expressing the essence of love.

When you love you wish to do things for. You wish to sacrifice for. You wish to serve.“ ( A Farewell to Arms)

To that, I would add that you wish to do for and to give … without expecting anything in return.

Only love that continues to flow in the face of anger, blame, and indifference can be called love. All else is simply a transaction.” says Vironika Tugaleva, author of The Love Mindset.

Let not your love for another become a transaction. When you give someone a smile, a hug, kind words, a listening ear, an understanding shoulder, money, support — give them because you truly want to. My father often quoted the Urdu words “Neki kar, darya mein dal.” It simply means “Do a good deed, and then toss it into the river.” I have tried to follow that in my life, because I believe that expectations can rob love of its purity and beauty.

  1. Let us give our love for free, as often as we can, as much as we can.
  2. Let us sometimes pause to self-correct on the beautiful path of love.
  3. Let us love because we feel love, not because we expect or need love.

Source: The Epoch Times

Posted in Uncategorized | Leave a comment

Sứ mệnh của sự hiện hữu

Sứ mệnh của sự hiện hữu


“Thượng đế đều sẽ vì mỗi một con chim ngốc mà chuẩn bị một cành cây thấp”

Dưới đây là một câu chuyện hy hữu, kể về sự gắn kết định mệnh của một cậu bé 8 tuổi mắc bệnh tự kỷ và chú chó đáng thương bị bạo hành đang chờ chết. Hai số phận kém may mắn gặp nhau trên hành trình mang tên cuộc sống, cùng nhau dệt nên một câu chuyện thần kỳ về lòng tốt và sự thiện lương.

Hai người bạn trước khi chưa gặp mặt

Xena có nghĩa là “chiến binh”, là tên mà chú chó nhỏ 4 tháng tuổi được các tình nguyện viên cứu hộ đặt cho sau khi được cứu thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Các nhân viên cứu hộ động vật tìm thấy chú cún này trong tình trạng chờ chết do bị bỏ đói và bị nhốt trong lồng khóa kín ở Dekalb County, Georgia Mỹ.

Khi các thành viên của trung tâm nhìn thấy Xena, họ choáng váng kinh hoàng.

“Tôi từng làm công tác cứu hộ gần 12 năm, và chưa từng thấy một con chó con nào ở trong tình trạng tồi tệ như vậy,” Chrissy Kaczynski, thành viên sáng lập nhóm cứu hộ Những người bạn của động vật ở DeKalb, nói với tờ TODAY.com. “Tôi mang nó về nhà mình và nghĩ rằng nó không thể sống nổi qua đêm đó.”

“Cơ thể nó bị mất nước nghiêm trọng, mũi thì đầy những vết thương đã đóng vẩy… có vẻ như nó đã phải gắng sức để thoát khỏi cái gì đó rất kinh khủng,” Kaczynski nói.

Mặc dù ở trung tâm, điều kiện cứu trợ tương đối đầy đủ, nhưng nghĩ đến tình hình của chú chó nhỏ tội nghiệp, các chuyên viên y tế vẫn đưa ra kết luận: “Trăm phần chết, chỉ có một phần sống”.

Trường hợp của Xena được trung tâm đăng tin và cập nhật hàng ngày trên kênh truyền thông địa phương. Vào một buổi tối, Linda Hickey, một phụ nữ 44 tuổi, sống gần đó, tình cờ xem được thông tin này. Đôi mắt cầu cứu cùng thân hình tiều tụy đáng thương của chú chó 4 tháng tuổi bị bỏ rơi làm trái tim một người mẹ như cô quặn thắt. Cô rất chú ý đến chú và theo dõi sát sao diễn biến sức khỏe của Xena. Khi được biết chú chó nhỏ có thể hồi phục, với thiện tâm mong cho chú có một mái ấm gia đình, bù đắp phần nào những mất mát thiệt thòi đã qua, cô nói với chồng ý muốn xin nhận Xena về nuôi.

Anh Grant (50 tuổi), chồng cô Linda, mặc dù ủng hộ vợ mình, nhưng trong thâm tâm thực nghĩ: “Tôi thực sự không biết có nên nuôi thêm một chú chó Pitbull, khi trong nhà đã nuôi 2 con chó khác. Hơn nữa, con trai tôi bị bệnh tự kỷ. Tôi không biết rằng liệu Xena có mang thêm những rắc rối cho gia đình tôi không”, anh chia sẻ với Today.com.

Hoàn cảnh đáng thương của Jonny

Jonny Hickey, con trai thứ hai của gia đình Hickey, khi mới sinh, là một bé trai kháu khỉnh, rất đáng yêu. Tuy nhiên, khi cháu được 8 tháng tuổi, gia đình phát hiện cháu có những biểu hiện rối loạn tâm lý. Cháu rất ít nói, ghét tiếp xúc với mọi người xung quanh, sợ những điều mới lạ, chỉ suốt ngày chơi với những viên bi đã cũ. “Những đứa trẻ khác sẽ biết học hỏi và tự làm được mọi việc. Nhưng Jonny thì không. Cháu không biết làm những việc đơn giản nhất như mặc quần áo hay đi giầy…, và chúng tôi phải dạy cháu mọi điều cơ bản nhất.” – cô Linda Hickey, mẹ Jonny chia sẻ. Sau mỗi lần gặp bác sỹ, tình hình càng trở nên bi đát, bởi xem ra, mọi can thiệp y khoa đều không có tác dụng đối với cậu bé.

Đã gần 9 năm rồi, Jonny của anh hầu như không cười, không nói, không diễn đạt cảm xúc với ai? Đã bao đêm, hai vợ chồng chỉ còn biết an ủi nhau rằng con trai họ rồi sẽ ổn, rằng dù thế nào thì họ cũng sẽ mãi mãi yêu thương đùm bọc cho con…

Phép mầu dành cho hai số phận

Chỉ hai tháng sau khi Xena bước vào cuộc đời Jonny, cậu bé hoàn toàn thay đổi.

Khi Xena và Jonny nhìn thấy nhau, ngay lập tức giữa chúng có một sự đồng điệu trong tâm hồn.

Cô Linda kể với Today.com: “Hai đứa được sinh ra là để cho nhau, ngay từ cái nhìn đầu tiên, chúng đã nhận ra điều đó. Và từ đó trở đi chúng có thể giúp đỡ nhau tới một mức độ mà con người không thể hiểu nổi.”

“Ngay từ khi mới gặp, trên đường lái xe về nhà, chú chó con đã nhảy vào lòng Jonny, hôn hít khắp mặt mũi cậu bé. Từ đó trở đi, đó chính là chỗ ngồi của Xena.” Linda nói thêm: “Khi về đến nhà, tôi chứng kiến một điều kỳ diệu nữa, con trai tôi, vui vẻ, cười nói liên hồi trong ngôi nhà của chúng tôi”.

Anh Grant thì cho biết: “Tôi không nén được xúc động, khi chứng kiến chú chó có ảnh hưởng quá lớn đến con trai chúng tôi, khi mà ngoài kia có hàng chục nghìn những chú chó khác đã qua huấn luyện mà không làm được điều này”.

Không chỉ cởi mở hơn trong giao tiếp, những việc mà Jonny làm cũng cho thấy căn bệnh tự kỷ của em đang được kiểm soát hiệu quả. “Trước kia Jonny rất ghét động tay vào thức ăn, kể từ khi có Xena, cháu nhận làm việc đó, hàng ngày”.

Christian, anh trai Jonny cũng nhận thấy những thay đổi rõ rệt của em: “Jonny và Xena có một mối liên kết chặt chẽ, khó có thể lý giải nổi. Chúng hiểu nhau một cách sâu sắc, và luôn thấy rất cần đến nhau.”

Hai đứa trẻ kém may mắn không có cùng ngôn ngữ, chưa từng gặp nhau từ trước, nhưng dường như giữa chúng có một sự gắn kết sâu sắc của lòng trắc ẩn. Cũng dường như chúng đã là tri kỷ từ nhiều kiếp, để kiếp này tái ngộ, trùng phùng.

Không lời nào diễn tả được hạnh phúc của Linda, khi được nhìn thấy con trai của họ cười vui và hân hoan chia sẻ cảm xúc. Điều đó là bình thường đối với các gia đình khác, nhưng với gia đình cô, nó là một ân huệ.

Một niệm thiện lành muốn mang hơi ấm gia đình đến cho một chú chó con của cô phải chăng đã xúc động đến tận trời xanh? Hay là chính ông trời thử tấm lòng thơm thảo của cô khi đã an bài cho cô biết được câu chuyện của chú chó nhỏ, để cô được gieo một hạt giống thiện lương vào vũ trụ. Dù là giả thiết nào đi chăng nữa, chắc chắn rằng hạt giống ấy đang đơm hoa và cho cô trái quả ngọt ngào hôm nay…

Phải chăng sự hiện hữu nào cũng ẩn mật một sứ mệnh?

(Xuân Dung – An Nhiên biên dịch)

Source: TrungTâmHộTông

Posted in Uncategorized | Leave a comment

NHẢY MÚA DƯỚI CƠN MƯA

NHẢY MÚA DƯỚI CƠN MƯA

Người hạnh phúc nhất không nhất thiết là người có được những điều tốt đẹp nhất, mà là người biết chấp nhận và sống một cách tốt đẹp nhất với những gì mà mình có được.

“Cuộc sống không phải là làm sao để chịu đựng cho qua cơn bão, mà là làm sao để biết nhảy múa dưới cơn mưa” 

***

Lúc đó khoảng 8:30 sáng, phòng cấp cứu rất bận rộn.

Một ông cụ khoảng trên 80 tuổi bước vào phòng và yêu cầu được cắt chỉ khâu ở ngón tay cái. Ông cụ nói ông rất vội vì ông có một cuộc hẹn vào lúc 9 giờ.

Tôi bắt mạch, đo huyết áp cho ông cụ xong, tôi bảo ông ngôi chờ vì tôi biết phải hơn một tiếng đồng hồ nữa mới có người đến cắt chỉ khâu cho ông. Tôi thấy ông nôn nóng nhìn đồng hồ nên tôi quyết định sẽ đích thân khám vết thương ở ngón tay cái của ông cụ vì lúc đó tôi cũng không bận với một bệnh nhân nào khác cả.

Khi khám tôi nhận thấy vết thương đã lành tốt vì vậy tôi đi lấy dụng cụ để tháo chỉ khâu ra và bôi thuốc vào vết thương cho ông cụ.

Trong khi săn sóc vết thương cho ông cụ tôi hỏi ông là ông vội như vậy chắc là ông có môt cuộc hẹn với một bác sĩ khác sáng hôm nay phải không. Ông nói không phải vậy nhưng ông cần phải đi đến nhà dưỡng lão để ăn điểm tâm với bà cụ vợ của ông ở đó.Tôi hỏi thăm sức khỏe của bà cụ thì ông cho biết là bà đã ở viện dưỡng lão một thời gian khá lâu rồi và bà bị bịnh Alzheimer (bịnh mất trí nhớ ở người lớn tuổi).

Khi nói chuyện tôi có hỏi ông cụ là liệu bà cụ có buồn không nếu ông đến trễ một chút. Ông cụ nói bà ấy không còn biết ông là ai nữa và đã 5 năm nay rồi bà không còn nhận ra ông nữa. Tôi ngạc nhiên quá và hỏi ông cụ, ” và Bác vẫn đến ăn sáng với Bác gái mỗi buổi sáng mặc dù Bác gái không còn biết Bác là ai nữa ư ?”

Ông cụ mỉm cười, vỗ nhẹ vào vai tôi rồi nói “Bà ấy không còn biết tôi là ai nữa nhưng tôi vẫn còn biết bà ấy là ai.”

Khi ông cụ bước ra khỏi phòng, tôi phải cố gắng lắm để khỏi bật khóc. Tôi vô cùng xúc động và thầm nghĩ, “Ước gì đời mình có được một tình yêu như thế ! “

” Tình yêu thật sự không phải là tình yêu thân xác, cũng không phải là tình yêu lãng mạn “

Tình yêu thật sự là sự chấp nhận tất cả những gì đang có, đã từng có, và sẽ có hoặc không.

Người hạnh phúc nhất không nhất thiết là người có được những điều tốt đẹp nhất, mà là người biết chấp nhận và sống một cách tốt đẹp nhất với những gì mà mình có được.

“Cuộc sống không phải là làm sao để chịu đựng cho qua cơn bão, mà là làm sao để biết nhảy múa dưới cơn mưa” 

Mỗi ngày bạn nhận được rất nhiều email và phần lớn là chuyện vui hoặc chuyện khôi hài; nhưng thỉnh thoảng cũng có những email mang theo những thông điệp có ý nghĩa như thế này. Và hôm nay tôi muốn được chia sẻ thông điệp này với các bạn. .

Nguồn: (qua email Bạn gửi)

Posted in Uncategorized | Leave a comment

Hoa nở bên hàng giậu

Hoa nở bên hàng giậu

Nguyễn Duy Nhiên

Basho là một nhà thơ rất nổi tiếng của Nhật bản vào thế kỷ 17. Những bài thơ haiku của ông đượm màu sắc của thiên nhiên và nhân sinh. Ông có một cái nhìn rất sâu sắc về vẻ đẹp tự nhiên của đất trời, của cảnh vật chung quanh. Đối với ông không có vật gì là bình thường hay tầm thường hết. Những bài thơ hài cú của Basho, thường nói về những sự việc rất đơn sơ, mộc mạc, ta gặp thường ngày. Nhưng dường như trong cái đơn sơ tự nhiên đó ta bắt gặp được một điều gì rất nhiệm mầu, hiện hữu trong một thực tại trống không và thinh lặng.

Ta nhìn sâu xa
Bên hàng giậu nở
cành Nazuna

(Nhật Chiêu dịch)

    Bài thơ ấy ghi lại một sự kiện rất đơn sơ và bình thường. Nhưng trong cái bình dị ấy ông chợt khám phá ra được một thực tại rất nhiệm mầu: một cành hoa đang nở. Có lẽ Basho đang đi một mình trên con đường quê nhỏ vào một buổi sáng mờ sương. Có lẽ trời đang mưa phùn, những hạt mưa bụi nhẹ bay như sáng hôm nay. Trên đường đi, ông nhìn thấy có một cái gì đó là lạ nơi hàng giậu cũ kỹ đổ nát bên đường, ông bước lại gần và thấy một cành hoa nazuna đang nở. Và trong giây phút ấy ông chợt thấy mình là một với hiện hữu.

   Ngày Helvetia Lavender Farm July 12, 2015  (56) mưa, hàng giậu, đóa hoa, con đường quê và chính ông… tất cả đột nhiên trở thành một. Không phân biệt. Ông là hoa mà hoa cũng là ông. Nếu tâm ta tĩnh lặng và trong sáng, đôi khi ta lại tìm thấy những kỳ diệu ở những cái mà mình cho là tầm thường nhất.

    Học giả D.T. Suzuki, trong quyển Thiền và Phân tâm học, cũng có so sánh kinh nghiệm trong bài thơ  ấy của Basho với lại của một thi hào Anh, Alfred Tennyson, khi ông này đứng trước một đóa hoa mọc trên kẽ nứt của một bức tường,

Đóa hoa trên một bức tường nứt nẻ
Ta ngắt mi ra khỏi những kẽ đá
Cầm mi trong bàn tay, rễ, hoa và tất cả
Đóa hoa nhỏ kia ơi – nếu như ta có thể hiểu được
Mi, rễ, hoa và tất cả là gì
Thì ta cũng sẽ hiểu được con người và Thượng đế là chi.

    Bài thơ này của thi hào Tennyson cũng có chút gì gần gũi với bài thơ của Basho, mặc dù hai thái độ hoàn toàn khác hẳn nhau. Basho đứng yên lặng nhìn đóa hoa bên hàng giậu và thấy được cả trong ấy một hiện hữu nhiệm mầu. Trong khi Tennyson bứt nhổ cành hoa ra khỏi tường, quan sát hoa, cành với rễ trong bàn tay, mà vẫn thắc mắc và không hiểu được chính mình và sự sống.

    Có lẽ đó cũng là sự khác biệt giữa Đông phương và Tây phương, một cái nhìn của tuệ giác tự nhiên và một cái nhìn của sự phân tách và lý luận của tri thức! Một bên sống hoà hợp với thiên nhiên, một bên lại muốn đi khám phá, chiếm hữu và sử dụng những gì có mặt chung quanh mình.

    Tôi nghĩ trong đời sống, đa số chúng ta cũng đi tìm hạnh phúc giống như trong bài thơ của Tennyson vậy. Chúng ta có một thói quen tìm kiếm, phân tích và tạo dựng nên những hạnh phúc theo ý mình, thay vì biết tiếp nhận tự nhiên trong tĩnh lặng như thi hào Basho. Chúng ta có thói quen muốn sửa đổi thực tại để sắp đặt hạnh phúc theo sự phân tách và lý luận của mình. Nhưng dầu ta có khéo léo đến đâu thì đó cũng không còn là một thực tại như nó đang là nữa. Và rất nhiều khi những khổ đau phát sinh, là do sự tìm cầu hạnh phúc và trốn tránh thực tại đang có mặt, của mình.

    Ngày mưa trên mái hiên, trưa nắng qua con phố nhỏ, áng mây trôi trong tách cà phê buổi sáng, những chiếc lá rơi trong trời thu…  chúng có bao giờ là tầm thường đâu bạn hả! Mỗi ngày tôi vẫn thấy có một mặt trời đỏ hồng trên con đường đi, tôi thấy ánh trăng soi trên mặt hồ im lặng, tôi thấy con đường đê nhỏ có hai hàng cây thật cao, tôi thấy mưa bay trên sông, tôi thấy tách cà phê nóng và người bạn thân… Thật ra tôi nghĩ, những gì đang có mặt, hay xảy đến với ta, chúng không quan trọng. Điều quan trọng là thái độ và một cảm nhận trong sáng của tâm mình.

    Rồi có lẽ, vào một buổi sáng nào đó trên con đường nhỏ ta đi, có thể bạn sẽ chợt đứng lại nhìn và thốt lên rằng,

Bên hàng giậu nở

Cành Nazuna

Nguyễn Duy Nhiên

Helvetia Lavender Farm July 12, 2015  (82)

Posted in Uncategorized | Leave a comment

bớt sự sợ hãi

bớt sự sợ hãi 

Tác giả: Nguyễn Duy Nhiên

Tôi thường kể cho người khác nghe rằng một trong những lý do tôi tu tập là vì “Tôi muốn được trở thành một người vô úy, hoàn toàn không còn sợ hãi nữa.” Mà sự thật là tôi muốn được như vậy. Nhưng tới từng tuổi này trong đời, tôi không còn chắc là mình có thể trở nên hoàn toàn vô úy được không. Bây giờ, được “bớt sợ hãi” thôi, là tôi cũng mừng lắm rồi!

Đừng theo một khuôn mẫu lý tưởng

Một câu chuyện trong nhà thiền mà tôi vẫn còn nhớ trong thời gian mới bắt đầu tu tập là về một vị sư hoàn toàn không biết sợ hãi. Vị sư ấy trụ trì tại một thiền viện ở Nhật vào thời kỳ mà những toán võ sĩ samsurai đi lang thang khắp vùng quê, khủng bố bất cứ ai trên bước đường của họ. Một hôm, nghe tin một nhóm võ sĩ đang sắp sửa tiến vào thành phố nơi thiền viện, tất cả tăng chúng cùng với dân làng đều sợ hãi bỏ trốn hết. Chỉ có vị sư trú trì là ở lại, ngồi yên trong tư thế thiền định nơi thiền đường.

    Tên chủ tướng của toán samsurai, nổi giận vì danh tiếng của hắn không đủ để làm vị sư trú trì khiếp đảm trốn chạy. Hắn tung cửa bước vào thiền đường vung lưỡi gươm sáng chói chỉ ngay trước mặt vị sư thách thức: “Ngươi không biết ta chăng,” vị chủ tướng nói, “ta là người có thể đâm lưỡi gươm này xuyên qua thân nhà ngươi, mà không hề chớp mắt.” Vị sư trú trì ngước nhìn ông ta và điềm tĩnh trả lời, “Và thưa ngài, tôi là người có thể để ngài đâm lưỡi gươm ấy xuyên qua người bất cứ lúc nào, mà không hề chớp mắt.”

    Tôi nghĩ những vị thầy của tôi kể cho nghe câu truyện ấy vì họ nghĩ nó sẽ khơi dậy một sự phấn khởi trong lòng chúng tôi. Nhưng thật ra tôi cảm thấy mình bị mất niềm tin hơn là được hứng khởi. Vì tôi biết mình còn cách xa mẫu người lý tưởng ấy vời vợi, và cũng không tin là mình sẽ bao giờ có thể đạt được một thái độ hoàn toàn vô úy như vậy.

Sợ hãi là phản ứng tự nhiên

Tôi tin rằng những nỗi sợ sâu xa nhất của ta trong đời này đã ăn sâu vào các tế bào trong hệ thần kinh, để vĩnh viễn trở thành một phần kinh nghiệm của ta trọn đời. Robert Stolorow, người đi tiên phong trong phong trào Tâm lý học trị liệu có viết, cho dù ta có áp dụng khoa tâm lý trị liệu để phân tích và tìm hiểu nguyên nhân của sự sợ hãi thâm sâu đến đâu, mỗi khi có cùng một nhóm sự kiện đồng khởi lên, chắc chắn sẽ có cùng một phản ứng sợ hãi trong ta khởi lên. Cho dù tuệ giác của ta có siêu việt đến đâu, bản chất của ta cũng vẫn chỉ là con người, bị điều kiện bởi những kinh nghiệm của mình.

    Một trong những điều làm tôi khiếp sợ nhất trong tuổi thơ là sợ rằng mẹ tôi sẽ mất. Mẹ tôi bị chứng bệnh sưng tim khiến mỗi đêm bà không thể nào nằm xuống ngủ yên được. Phổi của bà sẽ bị đầy nước, và bà phải bật ngồi dậy ho sù sụ, cố gắng để thở. Tôi nằm trong giường ở phòng cạnh bên lắng nghe tiếng ho của mẹ tôi. Tiếng ho sù sụ trong đêm là một âm thanh kinh hoàng nhất trong tuổi thơ của tôi. Tiếng ho đêm cho đến ngày nay vẫn còn là một nhược điểm trong hệ thần kinh của tôi. Có “một cái gì đó” trong tôi cảm thấy rất bất an mỗi khi nghe tiếng ho đêm.

Bốn đứa con tôi giờ đã trưởng thành. Thuở bé chúng cũng đã có đầy đủ những chứng bệnh của tuổi nhỏ. Chúng bị đậu mùa, bị lên sởi, và quai bị. Chúng bị té. Chúng bị những vết thương cần phải được khâu lại. Chúng bị gãy tay, chân cần phải chống nạng. Chúng bị mổ hạch ở cổ, trong thời mà y khoa vẫn còn làm điều ấy. Và tôi đã trải qua hết những chuyện ấy mà không sao cả. Nhưng mỗi khi chúng ho vào ban đêm, tôi lại đâm ra hoảng sợ. Bao giờ việc ấy cũng làm cho tôi rất khó chịu. Tôi cứ phải tự nhủ “Nó chỉ bị cảm cúm xoàng thôi!” Thật ra thì sự kiện tóc tai tôi dựng đứng và cảm thấy hoang mang chỉ là một phản ứng tự nhiên mà thôi. Tôi nghĩ mỗi người chúng ta đều có những nỗi sợ riêng khác nhau những khi nghe tiếng ho sù sụ trong đêm khuya.

Nỗi sợ tự nó không phải là vấn đề

Nhưng dầu sao thì ta cũng không nên nản lòng về chuyện ấy. Tôi thấy đó chỉ là một chi tiết mới giúp ta thấy rõ thêm sự hoạt động của tâm thức mình. Sự sợ hãi không nhất thiết phải là một vấn đề lớn, nếu ta biết nhận diện rằng nó chỉ là kết quả của sự bị điều kiện của ta, trực tiếp từ trong kiếp sống này và có lẽ trong những tiền kiếp xa xưa nữa. Nào ai biết được!

Chúng ta có thể chấp nhận nỗi sợ của mình và tập sống với nó. Nếu tôi cảm thấy bất an về những việc vô hại như là tiếng ho của một cơn cảm cúm, tôi vẫn có thể tự nhủ “Đây chỉ là kết quả của những gì mà tôi đã bị điều kiện trước đây.” Những ý tưởng ấy giúp tôi khỏi phải có những hành động vô ích và không cần thiết.

Mới đây có người giải thích cho tôi biết về hệ thống báo động. Nó được bố trí để phát hiện và báo hiệu mỗi khi có một sự di động nào xảy ra trong vùng mà con mắt điện tử kiểm soát. Tôi nghĩ con người chúng ta cũng tương tự như thế. Chúng ta là những chiếc máy báo động biết đi. Những chiếc ăng-ten của ta được bố trí để thu nhận những dấu hiệu nào được xem là một đe dọa cho mình. Khi mọi sự chung quanh suôn sẻ, chúng ta sẽ để cho chúng trôi qua như những bối cảnh của tri giác. Nhưng mỗi người chúng ta sẽ bị kích động để sẵn sàng phản ứng ngay, khi có một sự kiện gì đó mà ta ghi nhận là đe dọa xảy ra. Trong mỗi người chúng ta đều có những nút báo động.

Biết cởi mở và lắng nghe nhau hơn

Một trong những phương cách để xây dựng mối tương quan thân thiết với người khác là chia sẻ những nỗi sợ của mình, nói cho người khác nghe những gì đe dọa ta. Chúng ta tập kể cho nhau nghe những việc như: “Tôi muốn anh, chị biết rằng tôi có một nỗi sợ bị bỏ rơi, vì khi còn nhỏ mẹ tôi không bao giờ có mặt để bảo vệ, chăm sóc tôi.” Chúng ta hãy chia sẻ với người thân của mình, nói cho nhau nghe những khó khăn của ta.

Và một khi ta hiểu được lý do vì sao người khác có những nỗi sợ hãi kỳ quặc như vậy, ta sẽ cảm thấy thương hại hơn là giận ghét. Thay vì nghĩ “Thật chán vô cùng, tôi phải bị kẹt với người này suốt cuộc đời,” ta lại có thể cảm nhận rằng: “Thật tội nghiệp, người mà tôi thương lại có những nỗi sợ như vậy. Chắc người ấy phải chịu nhiều khổ đau lắm khi mang vác trong tâm những nỗi lo âu ấy.”

Nếu bạn vẫn còn sợ hãi, điều ấy không có gì là xấu hổ hết. Chúng ta có thể làm một người lớn và vẫn còn có những nỗi sợ. Chúng ta chia sẻ những nỗi sợ sâu kín của mình với những người thân thiết nhất – thường thì đó là một vị thầy, một nhà tâm lý trị liệu. Nếu chúng ta thật sự may mắn, người ấy cũng chính là người bạn đời của ta. Những nỗi sợ hãi khi được nói to lên sẽ không bao giờ còn đáng sợ như khi ta giấu kín nó.

Tôi lớn tuổi đủ để tự chính tai mình được nghe tổng thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt nói câu bất hủ: “Chúng ta không có gì để sợ, trừ chính nỗi sợ ấy.” Tôi nghĩ ông nói đúng.

Trích trong “Đơn giản hơn ta nghĩ” – Sylvia Boorstein

Nguyễn Duy Nhiên

Nguồn: Trang Nhà Nguyễn Duy Nhiên

Posted in Uncategorized | Leave a comment

Trên nền trời tươi sáng

Trên nền trời tươi sáng ..

Giữa dòng đời biến động và cuộc sống đầy sức ép, hiểu quy luật vạn vật và thực hành Phật pháp giúp con người buông xả và hóa giải những năng lượng xấu ..
.
Lời Đức Phật dạy: ‘Tâm buồn khổ như con rắn dưới gầm giường’.
Và bài giảng của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh:
.
Có Ðức tin chúng ta sẽ có sức mạnh.
Tổ Lâm Tế từng nói :” Quý vị thiếu tự tin nên cứ mãi rong ruổi hướng ngoại tìm cầu.
Quý vị phải tin rằng quý vị có khả năng thành Bụt, có khả năng giác ngộ, thoát ly phiền não.”
.
Tín là tin rằng có một con đường đưa ta tới tự do, giải thoát và chuyển hoá phiền não. Nếu thấy được con đường và đi theo, ta sẽ có quyền lực. Những người không có đường đi thì cứ luẩn quẩn, loanh quanh mãi. Họ đau khổ, họ không biết phải đi về đâu. Bạn cũng từng tìm kiếm một con đường, và bây giờ bạn tìm ra con đường ấy. Vậy là bạn đã thấy được đạo rồi.
.
Nếu chứng nghiệm ít nhiều rằng : con đường ấy dẫn tới một cuộc sống tốt lành thì bạn sẽ khởi lòng tin. Bạn sẽ rất sung sướng thấy là mình đã có một con đường và khi ấy, bạn bắt đầu có quyền lực, quyền lực này sẽ không gây tác hại cho bạn hay những người xung quanh, trái lại, đem tới cho bạn sức mạnh và năng lượng mà ai cũng có thể cảm nhận.
Khi có niềm tin thì mắt bạn sáng ngời và bước chân bạn đầy tự tin. Đó chính là quyền lực. Bạn có thể phát huy quyền lực ấy từng giây phút mỗi ngày. Nó sẽ đem lại cho bạn rất nhiều hạnh phúc.
.
Nếu một pháp môn thực tập đem lại kết quả, giúp ta thêm chánh niệm, định lực và niềm vui thì niềm tin của ta sẽ bắt nguồn từ đó chứ không phải do một người khác mách bảo.
.
Đức tin này không phải là tin vào lời nói suông mà là tin vào kết quả cụ thể của sự thực tập. Khi bạn thực tập hơi thở chánh niệm thành công, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, vững chãi, thảnh thơi và lòng tin sẽ phát sinh từ kinh nghiệm đó. Đây không phải là mê tín, cũng không phải là nhờ cậy vào một ai khác. Năng lượng của niềm tin đem lại cho bạn rất nhiều hạnh phúc.
.
Nếu không có niềm tin, không có năng lượng của sự tự tin thì bạn sẽ đau khổ.
.
Nhìn kỷ, ta sẽ thấy rằng năng lượng của sự tỉnh thức, từ bi và trí tuệ đã có sẵn trong ta. Thấy được năng lượng ấy đang tiềm tàng là một phần của con người ta thì ta sẽ tin tưởng vào nguồn năng lượng này. Nếu biết cách thực tập, ta sẽ chế tác được năng lượng của tỉnh thức, từ bi và trí tuệ để tự bảo vệ mình và giúp những người xung quanh mình.
.
_ Thiền Sư Thích Nhất Hạnh _
.
Good Morning!!
Posted in Uncategorized | Leave a comment

Muốn có cuộc sống hạnh phúc và khỏe mạnh

Muốn có cuộc sống
hạnh phúc và khỏe mạnh

Muốn có cuộc sống hạnh phúc và khỏe mạnh, Đức Đạt Lai Lạt Ma khuyên con người từ bi với chính mình, dành thời gian suy nghĩ và sống như một đứa trẻ. Trả lời phỏng vấn CNN, Đức Đạt Lai Lạt Ma đưa ra 5 lời khuyên để mỗi cá nhân sống hạnh phúc, khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tâm trí cho dù gặp phải bất cứ hoàn cảnh nào.

Bắt đầu từ chính mình
Bước đầu tiên để có một cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh là tập trung vào lòng từ bi. Nhân loại sẽ hạnh phúc hơn nếu hiểu thêm và chấp nhận con người mình, từ điểm tốt tới điểm xấu. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: “Hạnh phúc chủ yếu phụ thuộc vào trạng thái tinh thần của chính bạn. Nếu luôn là một người trung thực, đáng tin về mặt cảm xúc, bạn có thể tìm thấy hạnh phúc cho dù xung quanh có xảy ra vấn đề gì”.

Ở đây, lòng từ bi không chỉ hướng ra ngoài mà còn dành cho bản thân. Từ bi với người khác nghĩa là nhận ra và tôn trọng nỗi đau của họ. Theo các nhà tâm lý học, hành động này làm nảy sinh sự quan tâm, lo lắng, chăm sóc của bạn dành cho người đó.

Đức Đạt Lai Lạt Ma tin rằng từ bi chính là yếu tố đầu tiên để có cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh.

Từ bi với chính mình là tử tế với bản thân ngay giữa lúc rối bời hay đau đớn về mặt tinh thần. Phó giáo sư tâm lý học giáo dục Kristin Neff tại Đại học Texas (Mỹ) giải thích lòng từ bi này khác hẳn với sự thương hại. Thay vì quay lại nỗi đau và tự chỉ trích một cách cay nghiệt, bạn nhìn những thứ đã qua như một phần của kinh nghiệm nhân loại đồng thời giữ mọi suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực trong chánh niệm chứ không đồng nhất với chúng.

Tuy thường bị bỏ quên, lòng từ bi với chính mình vô cùng quan trọng. Nó khiến lòng từ bi với người khác trở nên dễ dàng, bền vững. Đức Đạt Lai Lạt Ma tin rằng càng ít chỉ trích bản thân, con người càng khỏe mạnh và rất nhiều nghiên cứu đã công nhận lời răn dạy này.

Dành thời gian suy nghĩ
Bạn sẽ dễ dàng xây dựng lòng từ bi với bản thân hơn nếu dành thời gian suy nghĩ về những gì đã trải nghiệm. Đức Đạt Lai Lạt Ma mỗi ngày đều dậy từ 3h sáng và thiền 5 tiếng đồng hồ.

Tất nhiên, bạn có lẽ không thể ngồi thiền 5 giờ nhưng chỉ 10 phút cũng vô cùng hữu ích cho quá trình tư duy. Khoa học chỉ ra thiền tác động đến não, giúp đối phó với stress hiệu quả và thúc đẩy sự đồng cảm. Thiền lâu hơn khoảng 20 phút sẽ cải thiện tâm trạng, khả năng chú ý, trí nhớ.

Để cơn giận ra đi
Đừng bao giờ để cơn giận chiếm ưu thế trong suy nghĩ của bạn vì nó có thể dẫn đến trầm cảm, mất ngủ, ăn vô độ, bệnh tim mạch, đột quỵ, tử vong sớm. Muốn xua tan cơn giận và nâng cao sức khỏe, Đức Đạt Lai Lạt Ma khuyên mỗi người giữ lòng từ bi trong tâm trí đồng thời ở gần những người từ bi khác.

Tiếp xúc với các giáo viên Tây Tạng suốt nhiều năm qua, phó giáo sư Neff rất ấn tượng bởi dù phải sống như người tị nạn, họ vẫn rất hạnh phúc. “Họ không chối bỏ nỗi đau mà cởi mở, giữ lấy chúng bằng tình yêu và lòng từ bi”, phó giáo sư lý giải.

Giúp đỡ người khác
Chìa khóa khác dẫn đến hạnh phúc, theo lời Đức Đạt Lai Lạt Ma, là cố gắng giúp đỡ người khác: “Nếu có thể giúp đỡ người khác, dù rơi vào hoàn cảnh nào, bạn vẫn tự tin và giữ được hạnh phúc”.

Sự giúp đỡ có thể bằng hình thức hoạt động tình nguyện. Bạn sẽ gắn kết hơn với xã hội, bớt cô đơn, hạn chế nguy cơ trầm cảm. Ngoài ra, bạn cũng chăm vận động hơn nhờ đó bảo vệ huyết áp, tăng tuổi thọ.
Đơn giản hơn, bạn hãy lắng nghe ai đó tâm sự lúc buồn bã. Không chỉ hữu ích cho đối phương, bạn còn đỡ căng thẳng và trở nên hạnh phúc.

Sống như một đứa trẻ
Lời dạy cuối cùng để đạt được cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh của Đức Đạt Lai Lạt Ma là sống như một đứa trẻ. Ngài quan niệm trẻ em rất thành thật và chấp nhận người khác không chút phán xét. “Chúng không quan tâm đến tôn giáo, quốc tịch hay xuất thân. Bản chất con người chính là từ bi”.

Dù con người dễ bị che lấp bởi tính cạnh tranh và chủ nghĩa duy vật, Đức Đạt Lai Lạt Ma tin rằng những cảm xúc đó đều có thể quay về nếu bạn vui tươi. Vì vậy, Ngài luôn nở nụ cười kể cả khi bàn về các vấn đề nghiêm trọng. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra người trưởng thành thường hình thành mối quan hệ tích cực và hài lòng hơn về cuộc sống nếu giữ thái độ lạc quan. Hơn thế, họ còn có xu hướng khỏe mạnh và ít lo âu.
Xem xét những lời răn dạy trên đây sẽ đem đến cho bạn sự khác biệt. “Hãy cố gắng vì một khi cố gắng, kết quả sẽ tới”, Đức Đạt Lai Lạt Ma tóm gọn. “Bạn sẽ hài lòng và hạnh phúc”.

Minh Nguyên

Beautiful! (15)

Posted in Uncategorized | Leave a comment

Ký ức hoa

Ký ức hoa

Tác-giả: Ngọ

Mẹ tôi rất yêu hoa.

Ký ức về Mẹ cũng tràn đầy hoa. Và ngạt ngào hương.

Từ khi còn bé, tôi đã quen với không gian đầy hoa cỏ.

Tôi lớn lên cùng với hoa, tập làm quen với các loài hoa, sống chung với hoa, yêu hoa là nhờ có mẹ.

Có một thời đói khổ, hoa nuôi chúng tôi sống. Những khi bệnh hoạn không có thuốc uống, chúng tôi được chữa bệnh bằng hoa!  Đó là sự thật, mà nhiều khi ngẫm nghĩ lại rất phi lý mà lại đầy ý nghĩa.

Tôi chập chững tập đi trong khu vườn nhỏ um tùm cây trái của nhà ngoại. Tôi biết vơ đầy tay những bông dừa cạn mọc hoang dại hai bên lối đi lát gạch tàu. Cái bông hoa có hai màu hồng trắng hoang dại đó cũng có thể dùng chữa được bệnh cao huyết áp cho bà ngoại.

Ao bông súng tím nuôi cá bảy màu là nơi đầy kỷ niệm đối với lủ trẻ chúng tôi. Không có trưa Hè nào mà mấy chị em tôi không trốn mẹ và bà chạy ra áp mặt trên thành hồ cá nhìn say sưa những con cá sắc màu rực rỡ cầu vồng tung tăng uốn lượn dưới những bụi rong rêu xanh lục Bông súng tím xòe cánh trên mặt nước ao tù là hình ảnh thân thương gần gũi nhất đối với lũ trẻ, theo vào cả trong bữa ăn, thân bông súng luộc chấm mắm kho là món ăn bắt cơm nhất, không gì sánh bằng!

Rồi giàn thiên lý quanh năm trĩu bông màu xanh lục làm bát canh mát ngọt trưa Hè. Lớn lên một chút tôi còn biết thêm món hoa thiên lý xào thịt bò trổ tài với bạn bè.

Mẹ tôi trồng hoa lựu và hoa lê khắp vườn. Hoa lựu đỏ rực rỡ như trong câu thơ Kiều bà ngoại vẫn ngân nga ngâm trên võng đong đưa “trước sân Quyên đã gọi hè, đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông”, hoa lê trắng rung rinh theo gió trước hàng ba. Trái lê ngon ngọt, trái lựu tươi giòn, hạt lưu trong veo đều tăm tắp, tan trong miệng với vị thanh mát thơm nồng.

Mẹ trồng rất nhiều các loại lan, cỏ lan chi mỏng manh, bông lan huệ rực rỡ, lan tím mảnh mai, lan đại hành giản dị nhưng có thể chữa bệnh sốt nóng và đau đầu cho mấy đứa bé ham nghịch nắng nhà chúng tôi, rồi lan thủy tiên trắng muốt, lan vũ nữ vàng lung linh…

Không chỉ có hoa, nhà tôi luôn tràn ngập mùi hương. Ký ức về mẹ tôi gắn liền với hương hoa. Tôi không quên được cảm giác xao xuyến mỗi lần được mẹ ôm vào lòng, vùi trong tóc mẹ thơm sực nức hương hoa ngọc lan quyện với hương bồ kết chanh và lá sả. Nước gội đầu của chị em tôi ngày đó là trái bồ kết nướng trên lửa than, nấu chung với lá bạch đàn, lá sả trong vườn và thêm mấy túm lá chanh. Thau nước vàng sóng sánh đó sẽ được thả thêm vài nụ hoa ngọc lan nguyên nụ nõn. Mẹ còn rất ý tứ ủ thêm hoa ngọc lan vào làn tóc mây đen dầy mượt.

Ngọt ngào gì bằng mỗi đêm mưa rả rích lạnh, mấy chị em tranh nhau rúc vào lòng mẹ giành hơi ấm và hít hà đã đời mùi thơm nồng nàn đặc biệt chỉ mẹ mới có được!

Bên cửa sổ phòng ngủ của chúng tôi, mẹ trồng mấy bụi hoa lài đơn, trắng lốm đốm và thơm dìu dịu. Cửa sổ phòng mẹ là hoa dạ lý hương, mẹ thích mùi hương sang trọng đài các của hoa dạ lý, chỉ thơm về đêm hơn là hoa lài thơm cả ban ngày. Mỗi đêm trăng, chúng tôi lại ngồi xúm xít quanh mẹ nghe kể chuyện ngày xưa và ngây ngất trong không gian tràn ngập ánh sáng màu sữa dịu ngọt ướp hương chùm dạ lý trĩu hoa…

Có lẽ vì sống với hoa suốt cả thời tuổi nhỏ như thế, tôi đã lớn lên tự nhiên như một bông hoa hoang dại. Mạnh mẽ và đơn sơ. Tuổi thơ, nhà nghèo, mỗi Tết mẹ chỉ may được cho cả đàn con gái một bộ đồ mới. Bốn đứa con gái thay phiên nhau mặc xúng xính một lần sau khi giặt ủi cẩn thận. Đứa nào cũng sung sướng và nôn nóng chờ đến phiên mình mà không hề mảy may so sánh hay tủi thân.

Chị em tôi cũng không biết điệu đàng và làm dáng hay chỏng chảnh màu mè như những đứa con gái nhà khá giả khác. Ngày hai buổi đến trường, trưa lủi thủi dưới nắng chang chang vàng hoe tóc đi bộ về nhà. Có ngày theo phụ mẹ bán chong chóng trong bộ đồ bà ba đen trắng kín đáo mảnh vá, chỉ biết lặng lẽ nhìn theo những tà áo rực rỡ sắc màu khác trong chợ tấp nập đông người.

Vậy mà chúng tôi lớn lên và trưởng thành, thẳng thắn như bông súng giữa đầm!

Mỗi dịp Lễ của Mẹ đến tôi đều ôm về tặng mẹ một bó hoa tươi tắn. Rưng rưng ngắm mẹ nâng niu từng cành sen cắm vào chiếc bình đất nung Phù Lãng, mái tóc mẹ xõa một dòng mượt mà xuống lưng, hương sen kín đáo, phảng phất lấp đầy không gian của căn nhà nhỏ.

Vườn xưa không còn nữa, vì sinh kế, mẹ đã phải bán dần khu vườn để có tiền nuôi đàn con ăn học. Tôi vẫn đau đáu ước mơ ngày nào đó có thể mua được một mảnh đất nhỏ cho mẹ trồng lại khu vườn xưa như mẹ mơ ước. Để rồi mỗi ngày lại được thấy mẹ cười rạng rỡ, đứng bên dàn hoa bìm bìm tim tím đầu ngõ, trông chờ con từng đứa về nhà. Và tóc mẹ lại thơm nồng hương hoa của những ngày xưa.

Ngọ

 

 

Posted in Uncategorized | Leave a comment

Nỗi đau chung!

Nỗi đau chung!

(Sách dòng sông thương yêu)

Vượt Biển

Mùa xuân năm 1975, chiến tranh Việt Nam giữa Nam Bắc mới thật sự chấm dứt. Đất nước mình trở thành một dãi từ Lạng Sơn cho đến Cà Mau. Mọi người khắp nơi trên mọi nẻo đường đất nước đang vui mừng, hân hoan chào đón không khí hoà bình và sự đoàn tụ giữa người thân thương ở khắp hai niềm. Có những người từ niềm Bắc vào phương Nam tìm lại gia đình, bà con, họ hàng; họ là những người niềm Nam tập kích ra Bắc. Và có những người từ niềm Nam ra phương Bắc để đoàn tụ với gia đình; họ là những người Bắc vào Nam năm 1954 và những người lính niềm Bắc nằm vùng nơi các quân đội ‘mặt trận giải phóng’ ở các tỉnh niềm Nam.

Mình ở niềm Nam chứng kiến cảnh vui mừng chiến thắng, nhưng mà người niềm Nam nửa mừng, nửa tủi, nửa vui, nửa buồn, nửa bình an, nửa lo lắng… Tương lai người dân niềm Nam như thế nào đây? Năm ấy mình đúng 11 tuổi, đáng lý là tuổi học trò hồn nhiên, thơ ngây, nhưng khổ đau đã làm mình biết cách nhìn cuộc đời, nhìn thời cuộc.

Tuy bề ngoài đất nước mình gọi là hoà bình, nhưng vết thương, sự mất mát, khổ đau, lòng thù hận vẫn còn âm ĩ trong lòng người giữa hai phe lâm chiến. Sự tàn phá quê hương và vết thương trong tâm thức, lòng người do cuộc chiến tranh gây ra lớn khủng khiếp, nhất là sự hồi hộp, lo lắng, nghi ngờ, hoang mang, sợ hãi của người niềm Nam đối với nguồn máy chế độ mới từ niềm Bắc đưa vào. Chính phủ Hà Nội nắm hết binh quyền, đang củng cố cách quản trị toàn cõi niềm Nam. Dân niềm Nam có nhiều nỗi sợ, sợ nhất là những lần tịch thu tài sản, nhà cửa, bắt bớ, tù đày, đi cải tạo, đổi tiền, hợp tác xã…

Sau ngày giải phóng niềm Nam, gia đình mình bắt đầu thiếu ăn, tức là bữa ăn có ít cơm mà nhiều khoai, sắn, hoặc có bữa ăn toàn bo bo, hoặc có bữa ăn toàn bột mì. Không chỉ riêng gia đình mình, mà tất cả các gia đình khác đều thiếu ăn. Gạo biến đi đâu mất. Thực phẩm biến đi đâu mất! Mẹ mình bắt đầu lo lắng! Mẹ mình đã từng lớn lên trong những năm đói khát, đói đến lã người, đói đến chết hàng triệu người, cho nên sợ đói là nỗi sợ lớn nhất của mẹ. Mẹ không muốn thấy con mình chết đói. Trước đây, gia đình mình chưa bao giờ thiếu ăn, mặc dầu đi qua cơn đói Mậu Thân có hàng triệu người chết đói, mặc dầu sau khi ba mất, nhà mình vẫn luôn dư dã gạo và thức ăn. Mẹ vẫn tảo tần làm việc nuôi con. Mẹ làm tất cả mọi việc kể cả việc của đàn ông như đi biển. Mẹ buôn bán, trồng trọt…

Điều mẹ quan tâm nhất là việc học của các con. Mẹ thường nói với anh chị em mình: “Dù nhà mình có nghèo cách mấy, thì các con phải được đi học.” Thời đó, việc học bắt đầu có vấn đề, tương lai của các con mờ mịt quá. Mẹ lo lắng mỗi ngày. Không riêng gì mẹ, các bậc phụ huynh khác cũng bắt đầu băn khoăn, lo lắng về đời sống và tương lại của các con. Đầu năm 1978, quê mình có phong trào vượt biển bằng thuyền. Có lẽ một số người quen nếp sống của chế độ cũ nên không thể sống được dưới chế độ này, do đó họ tìm cách trốn thoát.

Có lần, chú Đê bàn với mẹ là chú muốn đưa cả gia đình chú đi, vì thế mẹ phải ở lại để chăm sóc, lo lắng cho ôn mệ và hương khói cho ông bà, tổ tiên. Mẹ trả lời dứt khoát với chú:

– Tôi sẽ đưa các con tôi đi. Bây giờ chú là chủ của đại gia đình, chú nên ở lại lo cho ôn mệ và hương khói cho tổ tiên.

Mẹ không có thuyền, nhưng mẹ có tiền, có vàng và mẹ có rất nhiều anh, em, con, cháu có thuyền có thể đưa bà con vượt biển. Sở dĩ mẹ quyết định ra đi mãnh liệt như vậy, vì mẹ sợ các con đói, nỗi sợ này ám ảnh mẹ từ thời thơ ấu, và sợ nhất là sự mịt mù về tương lai học vấn của các con. Năm ấy mình đã lớn, đúng 14 tuổi, học gần xong lớp 8, nên mình biết hết mọi dự định của mẹ.

Nhớ lại lúc bước ra khỏi nhà, mình buồn chi lạ! Nỗi buồn trĩu nặng cả tâm hồn. Ngoảnh mặt lại, mình thấy dây phơi áo quần vẫn còn nguyên, nhà cửa vẫn còn nguyên, tất cả đồ đạc trong nhà vẫn còn nguyên. Mẹ bảo: “Mỗi đứa chỉ mặc một bộ đồ thường, một chiếc ba lô chứa đồ cá nhân, ngoài ra không được mang gì theo. Mỗi đứa đi mỗi hướng khác nhau điểm hẹn là bến đò Xóm Đài trước 4 giờ chiều.”

Sau giờ tan học, mình lặng lẽ đứng nhìn bạn bè, nhìn mái trường, nhìn hàng cây. Bỗng nhiên, mình muốn khóc, nước mắt cứ ứa ra, rưng rưng, biết rằng hôm nay là ngày cuối cùng đến trường nhìn thấy bạn bè. Tạm biệt mái trường, tạm biệt bạn bè, tạm biệt quê hương. Chiều đó là một buổi chiều hoang vu, u ám nhất, dù bầu trời màu xanh lơ và hoàng hôn màu tím nhạt. Khoảng 4 giờ chiều, mình có mặt ở bến đò ở Xóm Đài để đi chuyến đò cuối về hướng làng Thanh Dương, chờ trời tối đi bộ ra bãi biển để lên thuyền. Lúc ngồi trên đò, mình thấy thương quê hương, thương dòng sông, thương hàng dừa, thương mái nhà, nhớ bạn bè, nhớ Lành vô vàn… Đầu năm 1979, gia đình vượt biển qua tỵ nạn ở trại Ru Bi Li, Hồng Kông.

Biển là quê hương của mình, và chiều nay biển gọi thôi thúc mình lên đường đi thật xa, đi để tìm đất hứa.

“…Có người hẹn tôi cuối phương trời
Biển xưa lắng nghe trắng xóa nỗi niềm biển không lên tiếng
Đời tôi nhỏ bé trước những khát khao chìm trong nỗi đau…” Biển cạn- Nguyễn Kim Tuấn

CPÐ

Posted in Uncategorized | Leave a comment